Skip to Content

UBND Xã Sơn Thành

Huyện Sơn Hà

Tỉnh Quảng Ngãi

 

Địa chỉ: Thôn Gò Chu, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi

Địa chỉ: Thôn Gò Chu, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi

1. Vị trí địa lý

Xã Sơn Thành nằm phía Đông Bắc huyện Sơn Hà, cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Diện tích tự nhiên toàn xã là 4.873,21 ha, chiếm 6,69% DTTN toàn huyện. Ranh giới xã có vị trí như sau:

+ Phía Đông: Giáp xã Sơn Hạ, xã Sơn Linh;

+ Phía Tây: Giáp với thị trấn Di Lăng;

+ Phía Nam: Giáp xã Sơn Trung, xã Sơn Giang;

+ Phía Bắc: Giáp huyện Trà Bồng và xã Sơn Hạ huyện Sơn Hà.

Xã Sơn Thành xã có 06 thôn, gồm: Thôn Hà Thành, Thôn Gò Chu, Thôn Gò Rinh, Thôn Làng Vẹt, Thôn Gò Ra, Thôn Gò Gạo.

2. Khí hậu thời tiết

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 260c. Nhiệt độ cao nhất là 350c vào khoảng tháng 5 đến tháng 8; nhiệt độ thấp nhất là 200c vào khoảng tháng 10 đến tháng 12. Chế độ nắng nhiều trung bình 6,6 giờ/ngày; độ ẩm không khí trung bình 89-90%/năm.

Lượng mưa trung bình từ 2.800 – 2.850mm/năm và phân bố điều giữa các tháng trong năm. Mùa mưa tập trung vào tháng 9 đến tháng 11, chiếm 75% lượng mưa cả năm. Mưa nhiều và lớn kèm theo lũ lụt thường tập trung vào tháng 10, 11. Lượng mưa trong 2 tháng này chiếm 50% lượng mưa trung bình cả năm. Mùa khô kéo dài tháng 3 đến tháng 8, vào các tháng này, nước ở các sông suối thường bị cạn kiệt thiếu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bão thường xuất hiện tháng 9, 10, 11 trong năm, trung bình 1-2 cơn bão trực tiếp; ngoài ra, hàng năm có 5-7 đợt áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn ảnh hưởng đến nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã.

3. Địa hình

Xã Sơn Thành là xã miền núi của huyện Sơn Hà, nằm dọc theo QL. 24B đi qua, nối giữa hai huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà với rất nhiều núi cao, bị chia cắt bởi nhiều khe suối từ núi cao đổ ra sông. Độ cao trung bình từ 80 m đến 400 m so với mực nước biển; độ dốc dưới 80 chiếm khoảng 55%, độ dốc trên 80 chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên; địa hình có xu hướng thấp dần từ Bắc và Nam về trung tâm xã. Nhìn chung địa hình xã Sơn Thành có các tuyến đường nhánh tỏa các thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương, giao lưu kinh tế văn hóa và đi lại của Nhân dân địa phương với các xã, huyện khác trong tỉnh.

4. Thủy văn

- Sông ngòi: Có suối A Ray chảy qua địa bàn xã, là nguồn cung cấp nước chính phục vụ sản xuất và bồi đắp phù sa, bổ sung độ phì cho đất; song cũng là hiểm họa trực tiếp đối với sản xuất và dân sinh trong mùa mưa lũ.

- Hồ, đập: Trên địa bàn xã có 03 đập dâng và 01 Hồ chứa nước bao gồm Kênh Chính đồng Hồ chứa nước Di Lăng, Đập Dâng Xã Trạch, Đập Dâng Nước Rếp, Đập Dâng Gò Chen.

5. Kinh tế - xã hội

- Kinh tế: Trên địa bàn xã Sơn Thành có hơn 80% hộ dân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp (chủ yếu trồng lúa, keo, mỳ).

- Giáo dục: Xã có 04 bậc giảng dạy: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

- An sinh xã hội, chế độ chính sách các đối tượng: Xã luôn thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước theo quy định.

- Xã Sơn Thành có 01 trạm Y tế, 01 Bưu điện văn hóa xã, 01 chợ tạm cây Da tại thôn Gò Gạo.

- Cơ sở vật chất văn hoá - thể thao: Có nhà văn hoá xã, Nhà cộng đồng thôn Gò Gạo; Nhà văn hóa thôn Gò Ra; Nhà văn hóa thôn Gò Chu; Nhà văn hóa thôn Hà Thành; Nhà cộng đồng thôn Gò  Rinh; Nhà văn hóa Hoăn Vậy, thôn Gò Chu và Nhà văn hóa thôn Làng Vẹt; Công viên xã Sơn Thành tại thôn Hà Thành và sân vận động xã Sơn Thành tại thôn Gò Chu.

6. Quá trình xây dựng

Xã Sơn Thành trước đây nằm trong “Nguồn Cù Bà”, là một trong bốn nguồn của tỉnh Quảng Ngãi (đến triều Minh Mạng đổi tên là Nguồn Thanh Cù). Đến năm 1915, thực dân pháp đổi “Nguồn Thanh Cù” thành “Đồn Sơn Hà”, rồi sau đó là Châu Sơn Hà gồm năm tổng: Sơn Hạ, Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Nham, Sơn Thạch với 47 sách (Sách: Đơn vị hành chính vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Châu Lỵ Sơn Hà lúc đó đang đóng ở thôn Hà Thành, thuộc địa bàn xã.

Kể từ lúc đó cho đến lúc Cách mạng tháng Tám thành công, Sơn Thành cùng Sơn Hạ và một phần của thị trấn Di Lăng ngày nay nằm trong Tổng Sơn Hạ, châu Sơn Hà.

Sau Cách mạng tháng Tám, 1945, huyện Sơn Hà được thành lập trên cơ sở hợp nhất các làng nhỏ và chia thành 15 xã. Tổng Sơn Hạ lúc này được chia tách ra thành 3 xã là Sơn Thành, Sơn Lăng và Sơn Hạ. Thời gian này, xã Sơn Thành và xã Sơn Trung là một xã, có tên gọi là Sơn Trung. Đến cuối năm 1952, theo Quyết định của tỉnh, địa giới hành chính các xã ở Sơn Hà được điều chỉnh lại và xã Sơn Trung chia làm hai là Sơn Thành, Sơn Rin. Xã Sơn Thành có 4 thôn (gồm 24 xóm) là Thành Sơn, Phú Sơn, Anh Sơn, Cà Đáo. Xã Sơn Rin gồm có 2 thôn là Cà Đáo và Xã Trạch.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, hai xã Sơn Thành và xã Sơn Rin được sáp nhập lại thành một xã gọi là Sơn Thành, gồm có 3 thôn, gọi là thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Từ năm 1998 xã Sơn Thành có 5 thôn và tên gọi các thôn được điều chỉnh thành: Hà Thành, Gò Chu, Gò Gạo, Gò Ra, Gò Rinh. Năm 2012, xã Sơn Thành được điều chỉnh, thành lập các thôn theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thành 7 thôn, với tên gọi các thôn: Hà Thành, Gò Chu, Gò Gạo, Gò Ra, Gò Rinh, Hoăn Vậy và Làng Vẹt. Năm 2019, xã Sơn Thành được sáp nhập lại thôn theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi còn 6 thôn, với tên gọi các thôn: Hà Thành, Gò Chu, Gò Gạo, Gò Ra, Gò Rinh và Làng Vẹt.

Đến năm 2019, xã Sơn Thành được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” năm 2019 theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi./.

Đinh Văn Thuật